Bật mí 3 cách bày mâm ngũ quả ngày Tết theo phong tục miền Bắc Trung Nam

Mỗi dịp tết đến xuân về, mọi người nô nức chuẩn bị đồ đạc để trang trí đón một năm mới nhiều may mắn. Trong đó, mâm ngũ quả mang ý nghĩa của sự sung túc, ấm no cũng như ước muốn có một năm mới no đủ, hạnh phúc của người Việt. Dưới đây là cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đẹp, phù hợp với từng vùng miền. Hãy cùng tham khảo để có cách sắp xếp mâm ngũ quả thật ý nghĩa trong ngày Tết nhé!

1. Mâm ngũ quả ngày Tết mang ý nghĩa gì?

Tết đến xuân về, nếu bạn để ý sẽ thấy trên bàn thờ gia tiên của người Việt đều bày biện mâm ngũ quả. Đây là phong tục có từ đâu đời và trở thành nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam với ý nghĩa rất sâu sắc và đặc biệt. Tết là thời điểm người ta tổng kết lại một năm làm lụng cũng như ước mong năm mới những điều tốt đẹp hơn. Và ngũ quả chính là thể hiện cho năm ước nguyện Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh. Thể hiện công sức, thành quả của người nông dân sau một năm dài vất vả, đồng thời biểu trưng cho sự sung túc, đủ đầy. 

Mâm ngũ quả ngày Tết mong muốn cuộc sống đủ đầy, sung túc 

Bên cạnh đó, mâm ngũ quả còn thể hiện cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ – năm hành sinh ra vạn vật trong vũ trụ. Với hy vọng mong muốn sự hài hòa, cân bằng và trọn vẹn trong cuộc sống. Mỗi loại quả trên mâm ngũ quả đều có màu sắc riêng biệt thể hiện ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa thường thấy ở các loại quả táo, thanh long. Màu trắng tượng trưng cho hành Kim thường thấy ở quả lê, mận, roi. Màu xanh tượng trưng cho hành Mộc thường thấy ở quả chuối, đu đủ, na, sung, dưa hấu. Màu vàng tượng trưng cho hành Thổ thường thấy ở các loại quả quýt, cam, phật thủ, xoài, bưởi. Và màu tối sẫm của hành Thủy thường thấy ở quả nho.

Ngũ quả tượng trưng cho 5 màu trong ngũ hành 

2. Hướng dẫn cách bày mâm ngũ quả ngày Tết theo phong tục 3 miền Bắc – Trung – Nam

2.1. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc

Đối với người miền Bắc, mâm ngũ quả trong ngày Tết rất được coi trọng. Bất kể gia đình giàu hay nghèo thì trên bàn thờ luôn có mâm ngũ quả để dâng lên ông bà tổ tiên. Mâm ngũ quả thường có năm loại quả là chuối xanh, bưởi (hoặc phật thủ), đào, hồng và quýt. Mỗi loại quả là một ý nghĩa và mong ước riêng của người dân.

Mâm ngũ quả của người dân miền Bắc bày biện vào dịp Tết

Quả chuối màu xanh tượng trưng cho hành Mộc là trọng tâm của mâm ngũ quả. Nải chuối với hình dáng giống bàn tay ngửa lên để che chở, bảo vệ cũng như đem lại phúc lộc cho gia chủ. Chuối xanh được đặt ở dưới cùng và có kích thước khác nhau tùy thuộc vào gia đình muốn dùng từ một đến hai, ba nải chuối. 

Hiện nay một số gia đình sẽ dùng quả bưởi hoặc quả phật thủ có màu vàng tượng trưng cho hành Thổ. Vị trí được đặt ở trung tâm và nằm ngay trong lòng nải chuối. Quả bưởi hoặc quả phật thủ đều mang ý nghĩa là may mắn, trời phật ban lộc, bình an.

Quả đu đủ, quả sung được đặt trên mâm ngũ quả với ước mong cuộc sống sẽ luôn đầy đủ, sung túc, tránh cảnh bần hàn, khó khăn.

Quả đu đủ không thể thiếu trong mâm quả ngày Tết 

Bên cạnh đó trên mâm ngũ quả của người dân miền Bắc còn có thêm các loại quả như quả có màu đỏ như quả roi, mận có màu trắng (hành Kim), cam quýt, quả ớt (hành Hỏa) hay quả hồng xiêm, nho có màu sẫm (hành Thủy). Người miền Bắc thường chọn số trái là số lẻ trong mâm ngũ quả vì quan niệm sẽ mang lại may mắn hơn. Tuy là mâm ngũ quả nhưng thực tế người dân thường bày biện nhiều hơn sao cho mâm ngũ quả thật đầy đặn, đẹp mắt để năm mới thật sung túc và an khang.

2.2. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam

Bày biện mâm ngũ quả ngày Tết theo phát âm của từng trái làm sao để có thể đạt được: cầu, sung, vừa, đủ, xài. Tương ứng với đó là năm loại loại quả là: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Bên cạnh đó, để làm đế họ sẽ chọn ba quả dứa (quả thơm) để tạo nên sự chắc chắn.

Dưa hấu đã trở thành một thức quả trang trí không thể thiếu trong mâm quả ngày Tết 

Người miền Nam thường hay quan tâm đến ý nghĩa tên gọi của mỗi loại trái cây. Chẳng hạn, dưa hấu, loại trái cây có ruột đỏ vỏ xanh thể hiện cho lòng trung nghĩa của người dân miền Nam. Họ lại khá kỵ quả chuối vì nó có phát âm gần giống “chúi” thể hiện sự nguy khó hay quả cam, quýt vì có câu Quýt làm Cam chịu cũng không tốt. Vì thế trên bàn thờ gia tiên của người miền Nam sẽ không thấy xuất hiện những loại quả trên.

2.3. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung

Miền Trung là dải đất khó khăn, nghèo khổ nhất cả nước gánh chịu rất nhiều cơn bão nên thực sự ở đây hoa quả không nhiều. 

Mâm ngũ quả của người miền Trung thể hiện sự thành tâm 

Người dân miền Trung thật thà, chất phác nên cũng không quá câu nề mâm ngũ quả. Chủ yếu là họ dâng sự thành tâm, nhà có gì thì cúng nấy nên mâm ngũ quả của họ cũng khá đủ đầy, có thể có cả những loại hoa quả của miền Nam và miền Bắc.

3. Cách bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết như thế nào?

Ngoài mâm ngũ quả, khi cái tết đến gần, bạn cần chú ý bày biện đầy đủ và đúng các vật dụng khác nữa. Đầu tiên, bát hương tượng trưng cho sự tinh tú và là trung tâm của bàn thờ. Và trên các bát hương nên cắm trụ hương vòng. Ngoài ra, bạn có thể mua bộ đỉnh, lư hương thiết kế tinh tế để trên bàn thờ thêm phần trang trọng. Ở hai góc ngoài cùng của bàn thờ thì bày trí hai cây đèn dầu hoặc hai cây nến thể hiện cho mặt trời và mặt trăng luôn thắp sáng cho bàn thờ cả ngày lẫn đêm. Gia đình có thể dùng hương nén, hương sào hoặc hương vòng để thắp ngày Tết đều được.

Bàn thờ ngày Tết được bày trí đủ đầy thể hiện sự sung túc, ấm no

Bàn thờ ngày Tết không thể thiếu bình hoa, với các loài hoa tượng trưng cho ngày Tết và thật có ý nghĩa tốt đẹp như hoa hồng, hoa cúc, hoa lay ơn hoặc có những gia đình cắm một cành đào nhỏ. Tránh dâng các loài hoa có ý nghĩa buồn hay mùi quá hắc hoặc hoa không tên. Để tiết kiệm bạn có thể mua thêm các loại cây, hoa giả trang trí để tăng thêm không khí và màu sắc cho ngày Tết trong gia đình.

Tất nhiên là trên bàn thờ không thể thiếu lễ vật dâng cúng gồm giấy tiền, vàng mã, quần áo. Phía trước của bàn thờ bày biện 3 hoặc 5 chiếc ly nhỏ, một bình trà và đĩa đĩa bánh kẹo, mứt Tết, trầu cau. Khi thực hiện bạn cần chú ý bày biện sao cho đẹp mắt cùng với các vật dụng khác. Mâm ngũ quả có thể nằm ở giữa hoặc ở bên phải. Chum nước, bánh kẹo, đèn dầu luôn ở phía trên. Bình hoa, bình hương, bát hương nằm ở khu vực phía trong.

Vào ngày 30 Tết, các gia đình sẽ tiến hành dâng thêm đồ cúng như bánh chưng, bánh Tết cơm canh để thắp hương khấn ông bà tổ tiên về ăn Tết vì thế bạn cần sắp xếp hợp lý. Tránh làm mâm ngũ quả quá lớn chiếm nhiều diện tích sẽ rất bất tiện. Các gia đình hiện đại ngày nay cũng thường mua các giỏ quà Tết cao cấp, gói đẹp để bày biện và trang trí cho không gian ngôi nhà trở nên sum vầy hơn.

Như vậy, với 3 cách bày biện mâm ngũ quả đặc trưng cho từng vùng miền được chia sẻ ở trên hy vọng sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để sắp xếp một mâm ngũ quả ngày tết đẹp và ý nghĩa.

Bình luận

Bình luận